Sơn Bô Xanh - Sức sống mãnh liệt của cậu bé không có hậu môn và cơ quan sinh dục

Từ khi sinh ra, số phận nghiệt ngã đã lấy đi của Sơn quá nhiều thứ mà lẽ ra tạo hóa vốn dĩ phải đầy đủ. Sự sống trở nên mong manh hơn bao giờ hết khi đến cả bệnh viện cũng trả em về để gia đình lo dần chuyện hậu sự.Thế nhưng bằng sự cố gắng và nỗ lực không ngừng nghỉ để vượt qua những giông tố, ở nơi cuối con đường, ta sẽ thấy phía trước là bầu trời.

Từ khi sinh ra, số phận nghiệt ngã đã lấy đi của Sơn quá nhiều thứ mà lẽ ra tạo hóa vốn dĩ phải đầy đủ. Sự sống trở nên mong manh hơn bao giờ hết khi đến cả bệnh viện cũng trả em về để gia đình lo dần chuyện hậu sự.Thế nhưng bằng sự cố gắng và nỗ lực không ngừng nghỉ để vượt qua những giông tố, ở nơi cuối con đường, ta sẽ thấy phía trước là bầu trời.

Nguyễn Văn Thanh Sơn sinh năm 2007, nhà ở thôn 5, xã Quý Lộc, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa. Sơn sinh ra trong 1 gia đình nghèo khó, có bố là anh Nguyễn Văn Du, hằng ngày mưu sinh bằng nghề thợ xây, còn mẹ là chị Phan Thị Cẩm Bình, do không có việc làm nên chỉ ở nhà chăm con đau ốm. Kinh tế cả gia đình Sơn đặt nặng lên những đồng tiền làm thuê ít ỏi của bố.

Ngày Sơn được sinh, trời đất như chao đảo khi bác sĩ khuyên gia đình nên mang con về để lo hậu sự vì coi như Sơn đã chết. Bộ phận sinh dục của Sơn bị dị tật nghiêm trọng với các biểu hiện thành bụng hở, thậm chí có thể nhìn thấy rõ một phần bàng quang. Cậu bé còn không có hậu môn, không có cơ quan sinh dục ngoài, tiểu tiện và đại tiện chung một đường, và thoát ra ở một lỗ nhỏ trên thành bụng; Đâu chỉ vậy, đến phần khung xương bẹn Sơn cũng chẳng có. Với một cơ thể sơ sinh khiếm khuyết nhiều bộ phận như vậy thì dù các bác sĩ có nỗ lực đến mấy, chuyện em ra đi cũng chỉ là trong một sớm một chiều.

Hy vọng và tuyệt vọng cứ đan xen giằng xé ngày qua ngày khi vợ chồng anh Du nhận được nhiều lời khuyên từ chính những người có chuyên môn rằng đừng phí công chữa trị cho con làm gì, để dành tiền mà lo hậu sự. Thế nhưng, ròng rã suốt bao năm qua, bố mẹ Sơn chưa khi nào nguôi hy vọng và vơi đi tình yêu thương dành cho đứa con bé bỏng ấy. Với từng đồng lương làm thuê ít ỏi, họ vẫn không ngừng nỗ lực vượt lên số phận và nuôi niềm tin mong manh rằng sự phát triển của công nghệ y học hiện đại có thể sẽ cứu giúp cho tình trạng của em vào một ngày không xa.

Năm 2007, bố mẹ Sơn vượt hàng nghìn ki-lô-mét mang em vào TP. HCM để thực hiện ca phẫu thuật tách rời đường tiểu tiện và đại tiện - bằng cách tạo một hậu môn giả trên thành bụng bên hông trái và đưa bàng quang vào trong ổ bụng. Đáng buồn là kết quả của ca phẫu thuật không được như mong đợi, vì sau một thời gian ngắn, bàng quang của Sơn lại bị lộ ra ngoài bởi em không có khung xương bẹn để giữ bàng quang trong cơ thể. Điều mà cũng khiến cậu bé không thể đi lại bình thường như bao đứa trẻ khác.

Sau đó 2 năm, Sơn được tiến hành phẫu thuật lần thứ hai. Lần này, các bác sĩ đã phẫu thuật đưa hậu môn về đúng vị trí tự nhiên. Nhưng sau ca phẫu thuật ấy, Sơn bị tiểu tiện và đại tiện không tự chủ, khiến cho hậu môn mới luôn bị hăm đỏ và suốt ngày phải ngồi bô. Biệt danh “Sơn bô xanh” cũng chính thức ra đời từ đây.

Năm 2011, bố mẹ Sơn tìm đến và “cầu cứu” Chương trình “Thiện Nhân và Những người bạn”. Đích thân bác sĩ Roberto DeCastro đã tiến hành thăm khám và lên lịch phẫu thuật cho Sơn vào tháng 06/2012. Trong lần phẫu thuật này, Sơn đã được tái tạo lại cấu trúc bàng quang.

Đến tháng 06/2014, đội ngũ phẫu thuật gồm: bác sĩ Roberto DeCastro, bác sĩ Emilio Merlini, bác sĩ Aurelie Chiappinelli đến từ Ý và bác sĩ Đinh Tuệ đến từ Houston, Mỹ đã phẫu thuật đóng thành bụng và thành bàng quang cho Sơn trong một ca phẫu thuật kéo dài 10 tiếng đồng hồ.

Sau khi phục hồi cấu trúc thành bụng và tái khám cho Sơn vào tháng 06/2016, tháng 11 năm đó, các bác sĩ tiếp tục thực hiện phẫu thuật tách đường tiêu hóa, giúp Sơn dần dần có thể kiểm soát vấn đề vệ sinh cá nhân. Sau đó Sơn đã được tái khám vào tháng 06/2017 và tiếp tục trong quá trình phục hồi.

Ước mơ của “Sơn bô xanh”

Từ ca phẫu thuật đầu tiên do các bác sĩ của Chương trình “Thiện Nhân và những người bạn” thực hiện vào năm 2011 cho đến nay, Sơn đã từng bước cải thiện được tình trạng sức khỏe của mình. Cái tên “Sơn bô xanh” cũng dần trở nên thân thuộc với mọi người trong gia đình “Thiện Nhân và những người bạn”, còn bố mẹ Sơn thì ngày càng vững tin rằng con mình sẽ được chữa khỏi hoàn toàn trong tương lai.

Nhà báo Trần Mai Anh - người sáng lập Chương trình “Thiện Nhân và những người bạn” và cũng là người mà Sơn hay gọi là Mẹ, nói rằng Sơn là một cậu bé đã phải chịu nhiều đau đớn, bất hạnh nhưng bù lại em rất lạc quan, yêu đời, và luôn toả năng lượng sống dồi dào tới mọi người xung quanh. Và, em có một người bố tuyệt vời mà không phải bất kỳ một đứa trẻ lành lặn, có điều kiện sống khá giả nào cũng có được.

Chị Trần Mai Anh đã từng nói về bố của Sơn như sau: “Nếu ai được nhìn thấy ánh mắt luôn chan chứa tình yêu và tự hào dõi theo cậu con trai bệnh tật của mình mọi nơi mọi lúc; nếu ai có thể nhìn thấy sự nhẫn nại nhưng trĩu nặng yêu thương, nâng niu mỗi khi lau dọn cho thằng bé và chiếc bô; nếu ai có thể nhìn thấy gương mặt ghi hằn những dấu vết vất vả của cuộc đời nhưng không chút oán trách, không chút nản lỏng và nếu ai đã từng nhận được sự hào nhoáng nhưng vô trách nhiệm thì sẽ đồng ý với tôi, phía sau tất chỉ cần một người đàn ông như thế”.

Ngoài tình yêu thương của cha mẹ thì chính sự nỗ lực của bản thân cũng đã giúp Sơn ở lại với cuộc đời này. Sơn hay nói với mọi người về ước mơ học giỏi tiếng Anh của mình. Ước mơ thật thực tế vì chính những bản năng và khát vọng sống đã khiến cho em muốn tự hiểu về bản thân và tự nắm bắt lấy cơ hội cho cuộc đời mình.

Em muốn được tự mình kể với các bác sĩ nước ngoài bệnh tình của mình, tự lắng nghe bác sĩ nói để biết được bệnh của mình có chữa được hay không. Xa hơn nữa, em sẽ nói về ngày mình được chữa khỏi bệnh, được lành lặn. Rằng khi đã giỏi tiếng Anh rồi, em có thể giúp những người bố mẹ nói chuyện được với các bác sĩ để chữa trị cho những em bé như Sơn. Một giấc mơ tuyệt vời.
 

Chúng con cũng cần một mái nhà

Hãy giúp Thiện Nhân trở thành bé trai đúng nghĩa!

Hãy giúp Thiện Nhân trở thành bé trai đúng nghĩa!

​​​​​​​Ngày Thiện Nhân chào đời, gia đình chưa kịp vui mừng thì nhận được tin rằng bác sĩ không thể phân biệt được giới tính của em. Khi vừa đỡ em ra khỏi bụng mẹ, nếu muốn xác định giới tính của em thì bắt buộc phải lấy máu xét nghiệm. Mà lúc đó, em nhỏ bé thế, chẳng ai nỡ lấy máu của em, vậy nên bác sĩ bảo cứ để mẹ nuôi em thêm vài tháng nữa. Được chăm sóc tới tháng thứ 3, mẹ cho em đi xét nghiệm và bác sĩ xác định giới tính của em là nam. Không chỉ vậy, Thiện Nhân còn mắc căn bệnh lỗ tiểu thấp thể nặng, tinh hoàn của em bị lạc chỗ và gây rối loạn về sự phát triển giới tính.

Cùng giúp Khánh Minh được trở thành ’người bình thường’

Cùng giúp Khánh Minh được trở thành ’người bình thường’

Khánh Minh được sinh ra vào một ngày tháng 4 đẹp trời. Vậy mà khi em vừa chào đời, cha mẹ như “chết lặng” khi biết cậu con trai của mình mắc một chứng bệnh kỳ lạ. Toàn bộ vùng kín của em bị dính lại thành cục, lộ ra những khối nhầy lớn đầy máu. Dị dạng bất thường này khiến em không thể tiểu tiện và đại tiện riêng biệt mà phải chung một đường.

Phạm Trần San Ny - “hạt cát” bé bỏng với sức mạnh phi thường

Phạm Trần San Ny - “hạt cát” bé bỏng với sức mạnh phi thường

Bậc cha mẹ nào cũng mong muốn con mình sẽ trở nên tài giỏi, nhưng chị Trần Minh Thức và anh Phạm Văn Thứ thì khác, họ chỉ muốn con mình được bình yên trưởng thành nên đã đặt tên cho bé là San Ny, nghĩa là hạt cát bé bỏng. Khi vừa sinh ra, bác sĩ chẩn đoán và kết luận cậu bé bị khá nhiều căn bệnh như thoát vị cơ hoành, lỗ tiểu thấp, tinh hoàn ẩn, phổi thiểu sản, … Trẻ em bị thủng cơ hoành nặng ở Việt Nam thường ít có cơ hội sống sót, bởi có rất nhiều diễn biến khó lường. Cha mẹ của bé cũng không thể hiểu tại sao con mình lại mắc nhiều bệnh đến thế, thế nhưng sức mạnh phi thường của Phạm Trần San Ny đã giúp em vượt qua những điều ấy một cách bền bỉ, mạnh mẽ.

QUYÊN GÓP
ĐỂ TẠO NÊN ĐIỀU KÌ DIỆU

Tham gia cùng Thiện Nhân & Friends để đem sự màu nhiệm đến cuộc sống của những em nhỏ bị tổn thương

THAM GIA CÙNG CHÚNG TÔI

Danh sách quyên góp

Vui lòng liên hệ quỹ để truy xuất thông tin quyên góp